GIÁ TRỊ CỦA HÔN NHÂN

Giá Trị của Hôn Nhân

 

 

Thầy và tôi cưỡi ngựa vừa mới qua cửa Tây, bất chợt có một tiếng kêu to phía sau khiến tôi giật nẩy người gần lọt khỏi yên. Một giọng nói đàn bà ở vệ đường cất lên:

– Ôi, thưa Lama thánh thiện.

Vị Thầy hướng dẫn nhìn quanh rồi xuống ngựa. Biết tôi là kỵ mã rất dở ngài ra hiệu cho tôi ngồi lại trên ngựa, và sự để ý này làm tôi rất biết ơn. Ngài hỏi bằng giọng khoan hòa:

– Bà có việc chi cần ?

Người đàn bà bước mau đến rồi vật mình dưới chân ngài.

– Ôi, thưa Lama thánh thiện.

Bà nói không kịp thở,

– Chồng con không thể có con bình thường, anh ấy khiến con sinh ra đứa con có tật.

Hết hơi, và cũng một phần kinh ngạc về sự bạo dạn của mình, bà nâng lên một gói nhỏ. Ngài cuối sâu xuống nhìn rồi nói:

– Tại sao bà trách ông làm đứa trẻ mang tật ?

– Bởi anh ấy là người hư đốn chơi bời, anh ấy chỉ biết mỗi một điều là nghĩ tới gái. Khi chúng con lấy nhau anh ấy cũng chẳng cho con một đứa trẻ mạnh khỏe như mọi người.

Bà khóc òa làm tôi ái ngại, nước mắt rơi xuống đường thành tiếng giống như mưa đá rơi, tôi nghĩ. Thầy nhìn vào bóng tối quanh đó tìm kiếm. Một người đàn ông quần áo lôi thôi bước ra khỏi  bóng tối vẻ mặt sượng sùng. Ngài gọi và anh tiến đến quỳ dưới chân vị Lama Mingar Dondup. Thầy nhìn cả hai rồi nói:

– Ông bà trách móc nhau vì sự tật nguyền của con thật không phải, vì việc ấy không do ai gây mà do nhân quả.

Ngài nhìn đứa trẻ lần nữa, tháo bớt vải quấn và chăm chú xem, tôi biết là ngài đang nhìn hào quang của nó. Xong đứng thẳng lên, ngài nói:

– Thưa bà, tật này không có gì đáng lo, chúng tôi chữa được. Tại sao bà không mang cháu đến gặp tôi sớm hơn ?

Người đàn bà đáng thương trao đứa trẻ cho chồng, bà chắp hai tay lại ngước nhìn Vị thày hướng dẫn đáp:

– Thưa Lama thánh thiện, xin ngài thương xót chúng con vì chúng con đến từ làng Ragyab. Các vị Lama khác chẳng để ý đến chúng con, không cho vào dù là chuyện rất cần.

Tôi nghĩ thái độ ấy thực lạ lùng, làng Ragyab ở phía tây bắc Lhasa chuyên làm nghề dọn xác chết, một nghề hết sức quan trọng ở Tây tạng. Nhưng có người khinh thường, họ cho rằng nghề ấy không sạch vì phải cầm đến xác chết, chặt nó ra phát cho kên kên ăn. Thầy cũng như tôi biết rằng họ giúp ích vì Lhasa là đất đá, phần lớn vùng toàn đá cứng không thể đào mộ, mà nếu có đào và chôn đi nữa khí hậu Tây tạng qúa lạnh cũng khiến xác chết đông cứng không tan rã được.

– Thưa bà, ba ngày nữa bà mang cháu đến gặp tôi. Chúng tôi sẽ lo chữa em khỏi vì xem ra tật này chữa được.

Ngài lục túi đeo ở yên ngựa ra một mảnh giấy, ghi lẹ trên đó vài hàng rồi đưa cho người vợ.

– Bà mang tới tu viện Chakpori và người giữ cửa sẽ đưa bà vào, tôi sẽ dặn họ việc bà tới nên không có gì trở ngại. Bà hãy an lòng, tất cả chúng ta đều là người như nhau dưới mắt Thượng đế, bà không có gì phải sợ hãi chúng tôi.

Ngài quay sang nhìn người chồng:

– Ông nên ăn ở một lòng với bà.

Nhìn bà vợ ngài nói thêm:

– Bà không nên trách móc ông nhiều, nếu bà dịu ngọt với ông trước có thể ông đã không đi tìm thú vui ở nơi khác. Bây giờ ông bà hãy về nhà và ba ngày sau đến tu viện Chakpori, tôi sẽ tiếp ông bà trị cho cháu, Tôi hứa vậy.

Ngài leo lên ngựa và chúng tôi đi. Tiếng thưa gởi, cám ơn của hai vợ chồng làng Ragyab nhỏ dần ở phía sau.

– Ít nhất tối nay, Lobsang, thầy tin họ sẽ hòa thuận, đối xử dịu dàng với nhau.

Ngài cười, đi trước dẫn đường vào làng Sho.

–– – – – – – – – – – – – – – –

Chiều hôm sau lúc rảnh rỗi tôi hỏi ngài:

– Thưa thầy, con không hiểu tại sao hai người đó sống chung nếu họ không thích nhau. Tại sao người có gia đình lại không ăn ở hòa thuận với chồng/vợ mình ? Con nhìn hào quang hai người tối qua thấy họ ghét nhau thực sự. Nhưng lấy nhau chi vậy khi họ ghét lẫn nhau ?

Vị Lama lộ vẻ buồn chốc lát rồi nói:

– Lobsang, người ta quên là nhân loại tái sinh để học nhiều điều. Trước khi sinh, khi còn ở cõi vô hình đã có những xếp đặt trước về nhân cách, tính tình người phối ngẫu ra sao rồi. Con nên nhớ là nhiều cuộc hôn nhân xảy ra lúc con người si dại. Khi đam mê lắng xuống, sự mới mẻ lạ lùng mất đi, chung đụng hàng ngày sinh ra chán ghét.

Tôi thưa với ngài:

– Theo con hiểu lập gia đình là để giống nòi thêm người, nhưng tạị sao thiên hạ không thuận hòa như loài vật ?

Ngài nhìn tôi nói:

– Con làm thầy ngạc nhiên, Lobsang, nếu sống với nhau chỉ là để có con thì đứa trẻ sinh ra sẽ gần như vô hồn. Nếu muốn có con tốt đẹp thì phải có sự yêu thương khi chung đụng gối chăn, phải có sự trìu mến giữa bậc cha mẹ bằng không kết quả y như đồ vật được sản xuất bằng máy.

– Nhưng con vẫn chưa hiểu vì sao gia đình không có hạnh phúc.

– Lobsang, cõi trần y như một trường học, nếu vợ chồng đẹp đôi phải lứa, hết sức ý hợp tâm đầu họ sẽ không học được gì. Điều đáng tiếc là con người chỉ gặt hái kinh nghiệm nhờ đau khổ, chỉ tiến khi gặp khó khăn. Một phần của bài học lứa đôi là hai người xuống trần gặp nhau và cố gắng sống chung êm đẹp, họ phải học cách nhận và cho. Ai ai cũng có những tính khí, thói quen làm tức mình bực bội người bạn đường. Họ phải học sửa đổi tính ấy hay làm nó mất hẳn đi, còn người chồng / vợ bị chọc tức phải học sự khoan dung nhẫn nhịn. Đôi vợ chồng nào cũng có thể sống hạnh phúc nếu họ chịu học cách cho và cách nhận này. Phải có cho và phải có nhận, bởi vì nếu thực tâm muốn học người ta sẽ biết mình còn thiếu sót những điều gì.

– Nhưng điều gì làm cho hai người yêu nhau, hay làm người này bị người kia hấp dẫn ? Tôi hỏi, nếu hai người thu hút lẫn nhau bây giờ tại sao họ trở nên nguội lạnh về sau ? Làm sao một người tự dưng ưa thích ai đó, rồi lạị tự dưng không thích nữa ?

– Khi nghĩ là đang yêu, người ta làm tăng mức rung động của mình. Nếu hai người nam và nữ như vậy gặp gỡ, làn rung động tăng cao của hai người có thể hợp nhau khiến họ quyết định sống chung. Điều đáng tiếc là họ không giữ cho làn rung động luôn luôn ở mức cao như vậy, một bên hạ nó xuống thấp hơn bên kia; người vợ trở nên lạnh lùng không cùng chồng thân mật mà đó là quyền chính đáng của người chồng. Ông do vậy đi chơi bời rồi hai vợ chồng từ từ xa nhau. Sự rung động của thể phách thay đổi cho đến lúc hai làn rung động không còn hợp nữa, và hai người trở nên hoàn toàn dửng dưng là vậy.

Ba ngày hôm sau tôi ở bên cạnh vị Lama Mingyar Dondup lúc ngài khám nghiệm đứa bé. Ngài tháo hết tã lót chăm chú nhìn phần hào quang, có lúc ngài đưa tay sờ nhẹ phần cuối xương sọ. Đứa bé không cựa quậy mà cũng không khóc nằm yên cho ngài xem, tôi biết là dù còn rất nhỏ đứa bé hiểu vị Lama Mingyar Dondup đang tìm cách trị cho nó. Sau cùng ngài đứng lên và nói:

– Lobsang, chúng ta sẽ chữa đứa bé này. Tật gây ra bởi việc sinh nở khó.

Cặp vợ chồng ngồi đợi ở phòng ngoài lúc chúng tôi ra gặp họ. Thấy ngài vào cả hai quỳ vội dưới chân vị Lama, thầy nói nhẹ nhàng:

– Con trai ông bà sẽ được chữa lành. Khám nghiệm cho thấy lúc sinh ra đứa bé bị rơi hay là bị té, điều ấy dễ trị, ông bà hãy an lòng.

Người mẹ run rẩy trả lời:

– Thưa Lama thánh thiện, quả đúng như ngài nói. Đứa bé ra một cách bất ngờ thình lình và bị rớt xuống sàn, lúc ấy trong nhà chỉ có một mình con.

Thầy gật nhẹ:

– Ông bà trở lại đây sáng mai cũng vào giờ này mang cháu về.

Cả hai vẫn còn quỳ sát đất lúc chúng quay đi. Thầy khiến tôi khám đứa bé thật kỹ:

– Xem đây, Lobsang, ngài chỉ, chỗ này bị đè. Cái xương này ấn lên giây thần kinh, con xem phần hào quang bị cong chứ không tròn hẳn.

Ngài cầm lấy tay khiến tôi sờ quanh nơi bị tật.

– Thầy sẽ ấn, đầy xương ra. Coi đây.

Ngài ấn ngón cái thật mau, đứa bé không hề khóc la vì hành động quá lẹ nó không cảm thấy đau đớn. Bây giờ đầu không còn nghiêng sang bên như trước mà nằm thẳng đúng cách.

Hôm sau đúng giờ, hai vợ chồng trở lại hết sức hân hoan với kết quả mà họ coi gần như là phép mầu. Vị Lama Mingyar Dondup mỉm cười:

– Ông bà phải trả cho việc này. Ông bà đã nhận việc lành vậy phải trả điều lành cho nhau. Đừng cãi cọ giận hờn vì con cái sẽ nhiễm tánh tình của cha mẹ. Cha mẹ không nhân từ có con ít nhân từ; cha mẹ không hòa thuận yêu mến nhau có con không biết hòa thuận yêu thương. Hãy trả bằng cách đối xử tử tế và qúy chuộng nhau. Chúng tôi sẽ đến gặp ông bà một tuần nữa để khám lại.

Ngài cười, đưa tay vuốt má đứa trẻ rồi rút lui.

– Người nghèo hết sức tự trọng, Lobsang, họ rất lo lắng nếu không có đủ tiền để trả. Con phải luôn luôn làm cho họ nghĩ rằng là họ đang trả ơn.

Thày vừa nói vừa cười:

– Họ hài lòng vì thầy bắt họ trả công; khi tới đây cả hai mặc quần áo đẹp nhất để khíến thày nghĩ là họ có đủ tiền. Tuy vậy như thầy đã dặn họ, cách trả ơn tốt nhất là ăn ở phải đạo với nhau. Khi giúp con người giữ được lòng tự trọng và phẩm cách của họ, Lobsang, con có thể khiến làm bất cứ điều gì.

Khi về phòng tôi lấy kính viễn vọng nhìn về phiá Lhasa. Hai bóng người lọt vào ống kính mang theo đứa trẻ; trong lúc tôi nhìn người đàn ông choàng tay ngang vai vợ rồi hôn bà. Yên lặng tôi đặt kinh vào hộp rồi ngồi xuống học bài.

T. Lobsang Rampa
(The Cave of the Ancients)